Osaka City Logo

meccha!! Đến trang chủ

Trang web

  1. TOP
  2. Trang web
  3. Nếu gặp tai nạn trong công việc bạn phải làm sao?

Nếu gặp tai nạn trong công việc bạn phải làm sao?

Đời sống

 Để đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng năng lực ngày càng lớn của Nhật Bản, số lượng người lao động nước ngoài ngày càng tăng. Cụ thể là tính đến thời điểm tháng 10 năm 2022 con số lao động nước ngoài đạt tới khoảng 1,82 triệu người trong đó lao động người Việt chiếm tổng số cao nhất với 462,384 người (25.4%). Cùng với người số lao động tăng, số vụ tai nạn lao động người nước ngoài cũng tăng cao một cách đáng báo động. Theo thống kê của bộ lao động Nhật Bản, số vụ tai nạn lao động liên quan đến người nước ngoài trong năm 2022 là 4,808 vụ tăng 0.5% so với năm trước đó. Trong đó số lao động Việt Nam gặp tai nạn là 1,319 vụ chiếm 27,4%. Báo cáo này còn cho biết ngành nghề xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhất là ngành sản xuất với 2,466 vụ và đứng thứ 2 là ngành xây dựng với 788 vụ.

Thực trạng tuyển dụng người nước ngoài heo bộ lao động Nhật Bản https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_30367.html

Thực trạng phát sinh tai nạn lao động đói với lao động người nước ngoài https://www.mhlw.go.jp/content/11302000/001099506.pdf

 Với thực trạng số vụ tai nạn lao động ngày càng tăng, là một người lao động bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tai nạn lao động để có thể bảo vệ mình trong những trường hợp cần thiết.

Chế độ bảo hiểm lao động là gì?

Chế độ bảo hiểm lao động là chế độ dùng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (người lao động chính quy và không chính quy) mà người chủ lao động phải có nghĩa vụ thay mặt người lao động làm thủ tục đăng ký và nộp số tiền bảo hiểm (Người lao động là người nước ngoài hay người Nhật đều được tham gia chế độ này). Chế độ bảo hiểm lao động là chế độ bao gồm Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm tai nạn lao động. Trong đó bài viết này sẽ đề cập chi tiết tới Bảo hiểm tai nạn lao động.

Bảo hiểm tai nạn lao động

Bảo hiểm tai nạn lao động tên gọi đầy đủ là Bảo hiểm bồi thường tổn thất tai nạn. Bảo hiểm này sẽ được chi trả cho những trường hợp gặp tai nạn hoặc mắc bệnh trong khi thao tác công việc hoặc trên đường đi làm.

Công ty nào phải tham gia bảo hiểm này

Tất cả các công ty có tuyển dù chỉ 1 người nhân viên. Kể cả các trường hợp pháp nhân của nước ngoài muốn thành lập công ty con hoặc chi nhánh tại Nhật Bản có 1 nhân viên cũng đều có nghĩa vụ phải tham gia.

Người lao động nào có thể tham gia bảo hiểm này

 Tất cả các người lao động dù làm việc dưới hình thức nhân viên chính quy hay không chính quy (arubaito,..) đều có thể tham gia bảo hiểm này. Kể cả người lao động nước ngoài bất hợp pháp không có thẻ cư trú cũng là đối tượng áp dụng bảo hiểm này.

Các khoản trong phạm vi bảo hiểm tai nạn lao động chi trả

Loại tiền bảo hiểm chi trả

Khi nào nhận được

Nội dung chi trả

Trợ cấp điều trị y tế

Khi phải điều trị tại bệnh viện do tai nạn xảy ra trong khi làm việc

Tất cả các chi phí điều trị tại bệnh viện (Có thể sẽ được chi trả cả chi phí di chuyển tới bệnh viện nếu đáp ứng đủ điều kiện). Số tiền này sẽ được chi trả cho đến khi hoàn thành trị liệu.

Trợ cấp bồi thường người thân

Khi người lao động tử vong trong khi thực hiện công việc

Tùy vào số lượng người thân mà số tiền bồi thường có thể thay đổi. Về cơ bản đối tượng sẽ nhận được bồi thường này là người phối ngẫu (vợ/chồng), con cái, bố mẹ đẻ, cháu ruột, ông bà ruột, anh chị em ruột.

Trợ cấp (bồi thường) nghỉ làm

Là trợ cấp chi trả tiền lương khi người lao động không thể đi làm do tai nạn

Chi trả số tiền lương mà người lao động đáng lẽ sẽ nhận được nhưng do tai nạn mà không thể đi làm (Được bồi thường từ ngày nghỉ làm thứ 4). Về nguyên tắc mỗi một ngày nghỉ làm sẽ được chi trả 80% theo mức trợ cấp cơ bản*

 

Trợ cấp (bồi thường) bệnh tật

Là trợ cấp chi trả khi đã hoàn thành trị liệu trên 1 năm 6 tháng nhưng vẫn không khỏi và

được giám định thương tật theo các cấp độ thương tật.

Số tiền này sẽ được chi trả dựa theo mức độ của thương tật (Từ cấp độ 1 đến cấp độ 3) tương tứng từ 313 ngày đến 245 ngày theo mức trợ cấp cơ bản

 

Trợ cấp (Bồi thường ) tàn tật

Khi hoàn thành trị liệu nhưng vẫn để lại thương tật

Bồi thường thương tật có 2 loại

1. Bồi thường hàng năm (nenkin)

Nhận tiền bồi thường kiểu nenkin tùy theo từng cấp độ thương tật từ cấp độ 1 đến cấp độ 7 tương ứng với từ 313 ngày tới 131 ngày theo mức trợ cấp cơ bản

2. Bồi thường thương tật một lần

Nhận tiền bồi thường trong một lần tùy theo từng cấp độ thương tật từ cấp độ 8 đến cấp độ 14 tương ứng với từ 503 ngày tới 56 ngày theo mức trợ cấp cơ bản

Bồi thường thương tật https://www.mhlw.go.jp/new-info/kobetu/roudou/gyousei/rousai/dl/040325-8.pdf

Trợ cấp (bồi thường)điều dưỡng

Khi người nhận được trợ cấp (bồi thường) thương tật cần phải sử dụng chế độ điều dưỡng

Tùy vào nội dung điều dưỡng mà chi phí chi trả sẽ khác nhau (có mức giới hạn)

Trợ cấp (bồi thường)mai táng

Khi người lao động tử vong và phải thực hiện mai táng

315,000 yên+ Số tiền trợ cấp cơ bản theo ngày (30 ngày)

 

 

 

*Số tiền trợ cấp cơ bản là số tiền được tính toán dựa trên cách tính tiền trợ cấp của bảo hiểm tai nạn lao động, trong đó số tiền này sẽ được tính tiền lương trung bình một ngày trong khoảng thời gian 3 tháng trược khi xảy ra tai nạn.

Về những vấn đề có thể xảy ra khi hưởng chế độ bảo hiểm lao động

Khi bạn gặp phải tai nạn trong lao động, hãy nhanh chóng báo cho công ty biết để được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời. Nếu bạn gặp tai nạn trong khi thực hiện công việc hoặc trên đường đi làm, bạn có quyền để hưởng tất cả các quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên có thể xảy ra một vài trường hợp như dưới đây.

Trường hợp công ty không thực hiện các thủ tục để đăng ký nhận bảo hiểm, lấy cớ để biện minh rằng tai nạn này không nằm trong phạm vi tai nạn lao động để thoái thác việc trả tiền bảo hiểm.

Bạn phải nhớ rằng về nguyên tắc công ty phải có trách nhiệm đăng ký nhận bảo hiểm lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp công ty liên tục từ chối làm chứng nhận chủ sử dụng lao động, đơn đăng ký nhận bảo hiểm tai nạn lao động của bạn vẫn được tiếp nhận. Do đó bạn có thể tự mình làm thủ tục nhận bảo hiểm mà không cần có sự can thiệp của công ty.

Tai nạn lao động đã xảy ra khá lâu trước đó

Có quy định về thời gian nhận trợ cấp. Nếu quá thời gian này sẽ không thể nhận trợ cấp được nữa. Hãy check thông tin của bộ lao động để biết thêm chi tiết.

Bồi thường tổn thất

Ngoài các khoản bồi thường trong phạm vi chi trả của bảo hiểm tai nạn lao động, bạn còn có quyền nêu yêu cầu bồi thưởng tổn thất. Vì bồi thường tổn thất không nằm trong phạm vi bảo hiểm tai nạn lao động nên về nguyên tắc bạn phải nêu nguyện vọng này trực tiếp, thông qua luật sư hoặc qua các bên đại diện khác với công ty. Có rất nhiều nội dung các khoản trong bồi thường tổn thất nhưng trong đó đáng chú ý nhất là khoản bồi thường tổn thất về tinh thần và bồi thường di chứng tàn tật. Tùy theo cấp độ thương tật và độ nghiêm trọng của tai nạn mà con số có thể lên đến khoảng 2000 man.

Khi gặp khó khăn trong việc yêu cầu quyền lợi

Có rất nhiều trường hợp người lao động nước ngoài tại đây không được chi trả thích đáng khi không may gặp phải tai nạn trong công việc. Nếu bạn gặp phải trường hợp công ty từ chối hoặc không có thái độ hợp tác khi bạn gặp tai nạn, bạn có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn trên con đường đấu tranh cho quyền lợi của mình. Tuy nhiên, đừng im lặng hoặc tranh đấu một mình. Có rất nhiều các tổ chức đang đứng lên bảo vệ quyền của người lao động nước ngoài ngoài kia. Dưới đây là các tổ chức bạn có thể tham khảo.

  1. Hiệp hội thực tập kỹ năng nước ngoài tại Nhật Bản (OTIT)

Đối ứng tiếng Việt từ thứ 2 đến thứ 6 11:00 – 19:00 thứ 7 9:00 – 17:00

Số điện thoại 0120 – 250 – 169

Website https://www.otit.go.jp/notebook_vi/

  1. Hiệp hội tai nạn lao động

Thời gian làm việc: Ngày thường từ 17:00 đến 21:00, chủ nhật và ngày nghỉ lễ từ 13:00 đến 17:00 thứ 4 và thứ 5 là ngày nghỉ cố điịnh

Số điện thoại 03-6804-7650

Line https://lin.ee/2GhRzJZ

Email soudan@rousai-u.jp

Website https://rousai-u.jp/

 

Nguồn tham khảo https://www.mhlw.go.jp/newinfo/kobetu/roudou/gyousei/rousai/dl/zentai/nihon1.pdf